Cưỡi ngựa nghệ thuật - Đẳng cấp hoàng gia

Chủ tịch Liên đoàn cưỡi ngựa nghệ thuật thế giới (FEI) hiện nay là Công chúa Haya Al Hussein (Jordan) - VĐV từng tham dự từ Asiad đến Olympic. Tiền nhiệm của công chúa Haya là Infanta Pilar - nữ Công tước xứ Badajoz (TBN). Trước nữ công tước Pilar là Công chúa Anne của Anh, một ngôi sao trong môn cưỡi ngựa nghệ thuật.
 
 
Trong danh sách chủ tịch Liên đoàn cưỡi ngựa nghệ thuật thế giới trong suốt 60 năm qua còn có Hoàng tử Philip, Công tước xứ Edinburgh hay Hoàng tử Hà Lan Bernhard of Lippe-Biesterfeld... đủ biết rằng môn thể thao này thuộc đẳng cấp quý tộc, cao quý và sang trọng như thế nào.
Cưỡi ngựa nghệ thuật đã là nội dung của Olympic vào năm 1900, rồi trở thành môn chính thức của Olympic đều đặn từ năm 1912 đến nay. Dĩ nhiên, các Hoàng tử hoặc Công chúa không thể tranh tài theo kiểu “phàm phu tục tử” của các nài ngựa lem luốc trong loại hình đua ngựa phẳng, hùng hục ăn nhau ở tốc độ.
 
 
Môn chơi của họ đương nhiên phải là trình diễn, nặng tính nghệ thuật. Từ trang phục của VĐV cho đến nội dung thi đấu, từ sự cầu kỳ trong khâu chuẩn bị tranh tài cho đến sân bãi phục vụ cuộc thi, tất cả đều toát lên sự sang trọng, nhiêu khê của một môn chơi thượng lưu, gắn liền với các hoàng gia.
Ngay cả hệ thống giải của FEI cũng đã nói lên rằng đấy là một trò chơi sang trọng, hơn là một môn thể thao thực thụ. Không có giải VĐTG, nhưng có Cúp cưỡi ngựa nghệ thuật. Thế rồi, ngoài các cuộc thi tại Olympic, FEI còn tổ chức riêng một đại hội tạm gọi là “Olympic cưỡi ngựa”, cũng 4 năm/lần.
 
 
 
Nội dung trình diễn thì nhiều, nhưng tựu trung, cưỡi ngựa nghệ thuật gồm 3 nhóm chính. Một là dressage - nhóm nội dung nhẹ nhàng nhất, chẳng khác gì một cữ dượt. Muốn ngựa nhấc một chân trước là ngựa làm theo. Ngựa có bao nhiêu cách nhún nhảy, đi bộ, làm dáng cơ bản, cứ việc khoe ra.
Môn này hơn nhau chủ yếu ở chỗ ngựa và người phải hòa hợp thành một chủ thể thống nhất. Người cưỡi muốn sao, ngựa hiểu vậy. Vì đây là các nội dung nhẹ nhàng, lịch sự, nên khi phụ nữ được phép tranh tài ở Olympic thì đây là những nội dung đầu tiên mà họ được tham dự.
Nhóm nội dung cơ bản thứ hai là nhảy ngựa (Jumping): điều khiển cho ngựa nhảy qua chướng ngại vật một cách nhẹ nhàng. Chướng ngại vật có khi cao, có khi dài, khi là rào đơn, khi là rào kép, thậm chí là rào tam cấp. Đại khái, cứ phải vượt qua các rào cản trên một lộ trình định sẵn.
 
 
 
Cuối cùng là nhóm nội dung gian khổ nhất, tạm gọi là toàn năng (Eventing). Trong nhóm nội dung này, các cặp “ngựa và chủ” phải lần lượt thực hiện tất cả những gì có trong môn cưỡi ngựa. Nghĩa là họ phải trình diễn nghệ thuật dressage, phải thi các kiểu jumping, rồi lại phải thực hiện các nội dung băng đồng, tức vượt qua các kiểu địa hình khó khăn mà ban tổ chức dàn dựng cho giống với sự khắc nghiệt của việc cưỡi ngựa băng rừng vượt suối!
Hãy khoan tính chuyện tranh tài. Chỉ cần tưởng tượng: làm sao để có ngựa (đúng tiêu chuẩn), có nơi tập, có nơi giữ ngựa, có đủ lực lượng phục vụ - từ bác sĩ thú y đến HLV..., là đủ thấy điều kiện để bạn tiếp cận môn thể thao thượng lưu này khó khăn như thế nào.
 
[Nguồn bongdaplus]
#daycuoingua; #cuoingua; #caulacbodaycuoingua;
#cuoinguagiaitri; #cuoinguathethao; #nguavietnam;
#cuoinguaviet; #cuoinguavietnam; #horseriding; #horseridingclub; 

Chào mừng từ CLB Ngựa Thánh Gióng

CLB vô cùng vinh hạnh khi nhận được sự quan tâm và tin tưởng của quý anh/chị. Với phương châm...

Tại sao chúng tôi xuất hiện?

Câu chuyện được bắt đầu từ năm 2009 - khi chúng tôi mới quay về Việt Nam và… nỗi nhớ chẳng thể...

Hướng dẫn tham gia cưỡi ngựa tại CLB

Nhằm đảm bảo việc trải nghiệm, luyện tập của các thành viên khi tham gia sinh hoạt tại CLB được hiệu quả...

Một buổi trải nghiệm tại CLB Ngựa Thánh Gióng.

(Tin tức CLB Ngựa Thánh Gióng) - Cưỡi ngựa là một môn thể thao, giải trí có kỹ thuật khó,...